Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Đảng ta đã làm rạng danh non sông đất nước ta trong thế kỷ 20, thiên tài của Người thể hiện trên nhiều mặt chính trị, quân sự, ngoại giao. Trong bài viết này, tôi xin góp đôi điều suy ngẫm về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Với tấm lòng “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ngày từ khi nước nhà mới giành được độc lập tháng 9-1945: “Chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không..., chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng và vai trò cấp thiết của nhân tài trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Chỉ hai tháng sau ngày độc lập, ngày 14-11-1945, Người viết trên báo Cứu quốc: “Nay muốn giữ cững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc chắn thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu cúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều.”
Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ, đội ngũ nhân tài cần thiết cho sự nghiệp này phài rất toàn diện, trên mọi lĩnh vực của đời sống:
“Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao
Kiến thiết kinh tế
Kiến thiết quân sự
Kiến thiết giáo dục”.
Và với tấm lòng thiết tha, thật sự cầu hiền, Người kêu gọi và khẳng định trách nhiệm của Chính phủ: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hiện ngay”.
Không chỉ nêu chủ trương, mà cách làm của Bác cũng rất cụ thể, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Sau một năm, kiểm điểm việc đã làm Người lại viết công khai trên báo Cứu quốc ngày 20 -11- 1946:
“Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Có thể thấy, điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài là tấm lòng thiết tha, thật sự cầu hiền cùng với cách làm cụ thể, công khai. Nhờ đó , Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được những người có đức có tài cùng tham gia gánh vác công việc chung vì nước như các vị nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố,...các trí thức tiêu biểu của thời kỳ này cả ở trong nước và ngoài nước như các ông Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ,...Về với Bác. mọ người đều tận tâm, tận lực cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, sống cần kiệm liên chính, chí công vô tư và đã thực sự trở thành những nhân tài, là những tấm gương sáng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chế độ mới.
Để có được đội ngũ nhân lực, nhân tài, chúng ta phải xây dựng, đào tạo. Trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” viết ngày 1-5- 1951, Hồ Chí Minh khẳng định: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng...”. “Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích: Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông. Hai là cải tạo những trí thức hiện có”. Nói Chuyện với học sinh Trung học Hà Nội ngay sau ngày hoà bình lập lại, Người nhấn mạnh nhiệm vụ của người hoch là: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà. Học phải đi đôi với hành”. Sau này, trong bài nói tại Đại hội Hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai ngày 7-5-1958, Người yêu thêm hai cái yêu nữa là “Yêu CHXH và yêu kỷ luật” và nhấn mạnh “cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay; lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.
Để làm được việc đó, Hồ Chí Minh đã nêu: “trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành gười công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Người yêu cầu các nhà trường của ta “phải ra sức tẩy sạch những ảnh hưởngn giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội , xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ,..Mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những trí thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế...”.
Trong bức thư cuối cùng gửi cho nhành giáo dục tháng 10 năm 1968, người lại viết: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề cho cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt được những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.
Tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ trong việc ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (và sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) đang trong giai đoạn gay go, quyết liệt nhất nhưng dưới sự lãnh đạo của Bác, Đảng và Chính phủ ta đã chủ trương cử những thanh niên ưu tú nhất ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết, xây dựng lại đất nước sau ngày thắng lợi. Để đảm bảo đủ số nhân lực cho nhu cầu kiến thiết đất nước, Người nói:
“Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học, ...Vì vậy, ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp. Muốn phát triển đại học và chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp 2, cấp 1 và cấp vỡ lòng”. Và “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo và cô giáo”.
Điều gây xúc động lòng người là ngay trước lúc đi xa, trong “Di chúc” khi dặn dò bao việc lớn. Bác vẫn không quên những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Như vậy, tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh trong đào tạo nhân lực là phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước để đào tạo những người lao động, lao động chân tay và lao động trí óc, có lập trường chính trị, đạo đức tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và có kỷ luật để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, phục vụ nhân dân.
Nhân ngày sinh của Bác năm nay, xin nhắc lại đôi điều về tư tưởng của Người để chúng ta có dịp ôn lại, suy ngẫm và vận dụng tốt vào hoàn cảnh hiện nay, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
TS. Nguyễn Quốc Anh
Ban khoa giáo Trung ương
Nguồn: Báo Nhân dân. 18 tháng 5 năm 2003
0 Nhận xét