“Chớ đặt ra những chương trình, kế hoạch mênh mông, nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”.
Một trong những điều mà Bác rất quan tâm là làm cho mọi thanh niên hiểu rõ mục đích học tập: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Lời dạy quan trọng này được Bác nêu ra từ năm 1954 cho đến nay gần tròn nửa thế kỷ song vẫn giữ nguyên giá trị tư tưởng, giá trị định hướng đối với hiện tại và tương lai, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cho tất cả thanh niên ta lúc này. Bác còn nhấn mạnh: “Ngày nay Đảng yêu cầu cán bộ chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn”. Bác phân tích sâu sắc rằng: “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người” và “Muốn xây dựng CNXH thì nhất định phải có học thức”. Học thức mà Bác đề cập ở đây cần được hiểu theo nghĩa đầy đủ, toàn diện chức không chỉ là học văn hoá , vì vậy Bác khuyên: “Học hỏi là một việc tiếp tục suốt đời... còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Tư tưởng xuyên suốt của Bác trong việc chỉ dẫn cho thanh niên ta học tập, rèn luyện là: “Học phải đi đôi với hành... Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” và “khoa học phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất” ... Bác luôn phê phán lối học vẹt, học suông, học để cốt lấy được mảnh bằng, chạy theo hư danh... Bác gọi đó là “Học để trang sức chứ không phải để vận dụng vào công việc”. (Trong xã hội ta hiện nay có bạn trẻ lười học, không chịu học nhưng lại muốn có bằng nên đã làm những điều không hay, cần đấu tranh khắc phục). Hơn nữa, Bác còn rất quan tâm dạy cho thanh niên cách học, là “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân ... học tập trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cùng như việc nhỏ”.
Bác khuyến khích thanh niên trau dồi nghề nghiệp: “Trong xã hội ta không có nghề nào thấp kém chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ... Tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang”. Bác luôn khen ngợi thanh niên có tinh thần hăng hái, có nguyện vọng được làm việc để cống hiến cho đất nước nhưng do chưa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nên có lúc làm việc chưa đạt kết quả như ý muốn, thậm chí thất bại đâm ra nản lòng, thối chí. Vì vậy, Bác đặt ra yêu cầu và chỉ dẫn cho thanh niên là học gì, làm gì đều phải có chương trình, kế hoạch, có tinh thần phấn đấu cao và nghị lực lớn, nhưng Bác nhắc nhở: Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”. Bác biết thanh niên có nhược điểm là hay chuộng hình thức, thích phô trương, ít chú ý hiệu quả nên Người căn dặn: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được thì phải làm cho được” và “Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao” v.v... Người khẳng định: “Một chương trình nhỏ mà thực hiện hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”.
Hơn bao giờ hết, trong thời kỳ cách mạng mới chúng ta cần ra sức thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu kết hợp chặt chẽ từng bước học với hành, đây chính là con đường đưa thanh niên ta tiến tới thành đạt.
Văn Tùng - Nhà sử học
* Những câu đặt trong ngoặc kép của bài này được trích nguyên văn từ sách “Hồ Chí Minh về giáo dục Thanh niên” của NXB TN - 1980 và “Những lời dạy của Bác Hồ đối với học sinh” của NXB Sự thật - 1973.
Nguồn: Báo Tiền phong. Số 99, ngày 19 tháng 5 năm 2003
0 Nhận xét