Looking For Anything Specific?

Top Ad

BÁC HỒ VỚI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

 Trong các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức Công đoàn được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính Người đã đặt nền móng tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự hình thành của công đoàn cách mạng, tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12-1920), Nguyễn Ái Quốc thông qua nhiều việc làm đã yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) hãy giúp đỡ cho công nhân, lao động Đông Dương thành lập tổ chức Công hội. Từ đó trong suốt quá trình vận động để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN), Nguyễn Ái Quốc cũng hình thành nên những lý luận về tổ chức Công hội. Trong tác phẩm Đường kách mệnh xuất bản năm 1927, Người đã đề ra nhiệm vụ, chức năng của Công hội Việt Nam : “Tổ chức Công hội trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho Quốc dân, giúp cho thế giới”. Người đã dùng những từ giản dị, dễ hiểu và thiết thực vô cùng đối với chức năng của Công hội cách mạng. Từ đó đến nay 76 năm trôi qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) cho dù đã trải qua chặng đường dài của lịch sử, nhưng đã và đang tiếp tục thực hiện những giáo huấn của lãnh tụ kính yêu. Ý nghĩa thiêng liêng và sức sống mãnh liệt về nhiệm vụ, chức năng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho Công đoàn cách mạng Việt Nam vẫn mang tính thời sự trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH - HĐH đất nước, thời kỳ đất nước phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Cùng với việc sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức Công đoàn qua từng thời kỳ cách mạng, làm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, của Nhà nước. Với cương vị là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, của GCCN, Người đề ra những nội dung cơ bản về hoạt động của các tổ chức quần chúng trong xây dựng CNXH, nhằm tạo điều kiện và tiền đề hướng dẫn giái cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình. Đó là lần đầu tiên năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ban hành luật Công đoàn, tiếp đó Người đã giao cho tổ chức Công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ Bảo hiểm xã hội, một mảng rất quan trọng của hoạt động công đoàn.

Suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời về đạo đức, về nhân cách và đặc biệt là tình yêu bao la đối với nhân dân lao động. Người đã từng nói: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đất nước được độc lập, tự do, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Từ sau ngày hoà bình lập lại cho đến khi “từ biệt thế giới này”, hầu như năm nào Người cũng có gần 20 lần đi đến với công nhân, nông dân, trí thức, cơ sở, địa phương. Mỗi lần đi như vậy, Người thường không thông báo trước và Người gặp gỡ nói chuyện ân cần với từng người thợ, từng cụ già, em nhỏ. Điều đặc biệt là khi đi cơ sở, bao giờ Người cũng yêu cầu có cán bộ Công đoàn đi cùng. Người mong cán bộ Công đoàn phải đi sâu đi sát, phải ba cùng với công nhân lao động, phải hiểu được những tâm tư nguyện vọng của họ như là cơm ăn nước uống hàng ngày. Gần một tháng trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Trong buổi làm việc đó, Người đã đề ra những nhiệm vụ, những yêu cầu cụ thể của tổ chức Công đoàn trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc làm việc đó càng thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu đối với tổ chức Công đoàn nói chung và mỗi cán bộ Công đoàn nói riêng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, vào thời điểm mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đang tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ IX, chúng ta càng thấm thía về những lời dạy và tình cảm bao la của lãnh tụ đối với tổ chức Công đoàn. Trong hoàn cảnh mới của phong trào công nhân va hoạt động công đoàn thì mỗi cán bộ và đoàn viên công đoàn cần phải trong sạch, kiên cường, gương mẫu, thực hiện cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; phải ra sức phấn đấu về mọi mặt để xây dựng  giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

                                                                                                                                                                 Hồ Thức Hoà 

Nguồn: Báo Lao động. Ngày 19 tháng 5 năm 2003

 Bản in]

Đăng nhận xét

0 Nhận xét