Looking For Anything Specific?

Top Ad

NHỮNG NGƯỜI CON CỦA DÂN TỘC PACÔ LÀM THEO LỜI BÁC

 Ngày 11-6-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, người dân Việt Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đều quyết tâm thực hiện lời Bác dạy. 

Lời kêu gọi thi đua ái quốc có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là đồng bào vùng miền tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhân dân nơi đây phải chịu sự áp bức bóc lột của thực dân, đế quốc, hơn nữa mảnh đất này vốn có truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất.

A Lưới ở phía tây Thừa Thiên-Huế, là căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ địa bàn A Lưới đến Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) là mặt trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa ta và địch. Trong những năm 1955 - 1956 đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ra sức khủng bố, đàn áp, bắn giết những người chiến sĩ cách mạng. Ðồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới bị áp bức bóc lột rất khổ cực, kẻ thù luôn lợi dụng kích động, nhằm chia rẽ khối đoàn kết.

Vì mối thù của dân tộc, bỏ qua những định kiến hẹp hòi, đồng bào dân tộc Pa Cô đã xin được lấy họ của Bác Hồ làm họ chung cho dân tộc mình. Hồ Ðức Vai, Hồ Kan Lịch, những người con của dân tộc Pa Cô, sinh ra và lớn lên sớm có lòng căm thù giặc sâu sắc. Hằng ngày họ tận mắt chứng kiến tội ác của kẻ thù.

Ðược sự dìu dắt của cán bộ, đồng chí, đồng đội cùng với sự giác ngộ của bản thân, họ tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Những năm 1962-1963 chiến sự xảy ra rất ác liệt tại khu vực này, địch ra sức càn quét. Quân và dân xã Hồng Bắc, huyện A Lưới (quê hương của Hồ Vai và Kan Lịch) luôn nung nấu ý chí thi đua giết giặc lập công để giải phóng quê hương. Trong chiến đấu, mặc dầu vũ khí được trang bị rất thô sơ, với lá rừng làm ngụy trang, nương rẫy làm chiến trường, nhưng họ vẫn gan dạ chiến đấu, bám đất, bám rừng.

Hồ Vai bị thương rất nặng trong chiến đấu nhưng trong suốt ba ngày ông vẫn kiên trì bám trụ. Năm 1961 ông đã lập chiến công trong 22 trận đánh, diệt được 32 tên, làm hầm chông tiêu diệt một tên và làm 50 tên khác bị thương. Năm 1963 trong những trận địch càn vào xã ông, ông đã chỉ huy anh em du kích chặn địch lại, lựa chọn cách đánh du kích, đơn vị của ông đã chiến thắng, kết quả đơn vị ông đã diệt bốn tên, khiến đám quân còn lại phải rút chạy và không bao giờ dám trở lại thôn này nữa.

Kan Lịch khi đối mặt với quân thù luôn chiến đấu hết sức gan dạ, dũng cảm. Lúc đầu, bà làm liên lạc cho xã, huyện, sau được anh em tín nhiệm, cấp trên tin tưởng giao làm trung đội trưởng du kích xã, xã đội trưởng rồi huyện đội phó. Năm 1968, bà tham gia cánh quân đánh vào thành phố Huế và được vinh dự trao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam cho đơn vị làm nhiệm vụ treo cờ trên cột cờ Ngọ Môn.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ Kan Lịch nguyện chiến đấu đến cùng giải phóng cho được miền nam để đón Bác Hồ vào thăm. Trong chiến đấu, công tác và xây dựng đơn vị, Hồ Vai và Kan Lịch luôn luôn lấy tiêu chí thi đua yêu nước của Bác Hồ kêu gọi làm định hướng phấn đấu thi đua diệt giặc. Nhờ những thành tích chiến đấu và xây dựng đơn vị, hai người con của dân tộc Pa Cô đã được phong Anh hùng LLVT và vinh dự được ra gặp Bác Hồ.

Lần ra miền bắc gặp Bác Hồ là kỷ niệm đẹp nhất trong đời của họ, từ cử chỉ ân cần, gần gũi, tình thương yêu của Bác làm cho họ thật sự xúc động. Bác mong họ ở lại miền bắc để được đi học và trở thành \"Hạt giống đỏ\" của đồng bào dân tộc Pa Cô để sau này về giúp quê hương, nhưng trong lòng họ dù chỉ một ngày quê hương còn chìm trong bom đạn quân thù, phải mau trở về đánh giặc giải phóng quê hương.

Trở lại miền nam chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn gian khổ, lúc giáp mặt với quân thù, hình ảnh của Bác Hồ luôn ở trong trái tim, thôi thúc họ chiến đấu đến cùng, bám sát trận địa, giữ từng tấc đất cho quê hương.

Năm 1969 khi Bác mất, đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Trị Thiên-Huế đã biến đau thương thành sức mạnh, dũng cảm chiến đấu, hăng say lao động. Khu ủy Trị Thiên phát động phong trào \"Ngày nhớ ơn Bác, trồng 30 triệu gốc sắn\", \"Người người trồng sắn, nhà nhà trồng sắn\"... Các phong trào trên có tác dụng cổ vũ động viên quân và dân Bình-Trị-Thiên nói riêng, quân và dân miền nam nói chung đánh thắng mọi kẻ thù.

Ðồng chí Hồ Vai sau giải phóng được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng ông vẫn xin được ở lại quê hương, vui với nương rẫy và động viên con cháu phấn đấu học tập để trở thành những người có ích cho xã hội.

Hiện nay tuy tuổi đã cao nhưng hai người Anh hùng của dân tộc Pa Cô vẫn luôn hướng về Ðảng, về Bác. Các lão đồng chí vẫn luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nếp sống mới, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Bản thân hai đồng chí luôn gương mẫu học tập, làm theo lời Bác.

Nếu ai có dịp đến Thừa Thiên-Huế, muốn lên thị trấn A Lưới gặp Anh hùng Hồ Vai và Kan Lịch, không cần hỏi địa chỉ, người dân thị trấn ai ai cùng có thể chỉ nơi ở của hai đồng chí. Những người dân nơi đây, khi nói về Hồ Vai và Kan Lịch họ luôn tự hào vì mảnh đất này đã sinh ra những người con anh hùng.

60 năm đã trôi qua. Lời kêu gọi thi đua của Bác đã cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, đánh thắng quân xâm lược, cổ vũ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Vai và Kan Lịch là tấm gương tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

                                                                                                                     Theo NHÂN DÂN

Nguồn: Tạp chí Lịch sử Đảng.22/5/2008.

 Bản in]

Đăng nhận xét

0 Nhận xét