Looking For Anything Specific?

Top Ad

HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN

 

Hiến pháp đầu tiên ( 1946 ).


Năm 1946, cùng với việc chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội khoá I của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, ngày 20. 9. 1945 Chính phủ Lâm Thời đã ra sắc lệnh thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến Pháp do Hồ Chí Minh chủ trì. Sau một thời gian làm việc khẩn trương, tháng 10. 1946, bản dự thảo Hiến Pháp được hoàn thành và được trình bày Trước Quốc Hội khoá I, kỳ họp thứ hai và được Quốc Hội nhất trí thông qua ngày 9. 11. 1946. Bản Hiến Pháp gồm lời nói đầu và 7 chương với 70 điều qui định chính thể của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, cơ cấu của nghị viện nhân dân, chính phủ, hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp, cơ quan tư pháp và quy định việc sửa đổi Hiến Pháp. Hiến pháp này ra đời có một ý nghĩa to lớn về chính trị, tư tưởng đối với nhân dân Việt Nam khi mới giành được độc lập. Đây cũng là bản Hiến Pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Trong lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai. Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, khoá I, ngày 9. 11. 1946, Hồ Chí Minh nhận xét: “Quốc Hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến Pháp sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến Pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến Pháp còn là một vết tích lịch sử Hiến Pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến Pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến Pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến Pháp đó tuyên bố với thế giới biết, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do” ( Phát biểu ngày 9. 11. 1946; in trên báo Cứu Quốc, số 401 ngày 10. 11. 1946).

HIẾN PHÁP MỚI

Hiến Pháp Mới (Hiến pháp sửa đổi). Trong kỳ họp lần thứ 6, Quốc Hội khoá I ngày 23. 11. 1957, các đại biểu Quốc Hội thông qua quyết định sửa đổi Hiến Pháp năm 1946. Đầu năm 1958, trong kỳ họp lần thứ 8 của Quốc Hội khoá I, Hồ Chí Minh thay mặt ban sửa Đổi Hiến Pháp, báo cáo: “Bản Hiến Pháp sửa đổi sẽ dựa vào Hiến Pháp năm 1946. Nhưng bản Hiến Pháp sửa đổi của ta lại sẽ được thi hành trong lúc đất nước còn tạm chia làm hai miền: Miền Bắc đương tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và miền Nam thì như một thuộc địa của đế quốc Mỹ. Những nét đặc biệt ấy tất nhiên phải phản ánh vào bản Hiến pháp sửa đổi của ta, cũng như bản Hiến Pháp ấy phải căn cứ vào tình hình thực tế nước nhà và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện tại”. Sau hơn hai năm làm việc (1957-1959) vào kỳ họp thứ 11 Quốc Hội khoá I ngày 18. 12. 1959, Hồ Chí Minh đọc báo cáo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Theo Người, công việc của Ban sửa đổi là một quá trình chuẩn bị lâu dài và nghiên cứu kỷ lưỡng: Ngày 1. 7. 1958, bản Dự thảo đầu tiên được đưa ra thảo luận trong cán bộ trung, cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, đảng. Khi chỉnh lý xong, ngày 1. 4. 1959, bản Dự thảo được công bố để toàn dân thảo luận, góp ý kiến. Ban Sửa Đổi Hiến Pháp nhận được nhiều thư góp ý của cá nhân và tập thể, trong đó có những thư của đồng bào Miền Nam và kiều bào nước ngoài. Trên cơ sở những ý kiến xây dựng của toàn dân đóng góp, bản Dự thảo Hiến pháp được nghiên cứu và chỉnh lý một lần nữa trước khi đệ trình ra Quốc Hội ngày 18. 12. 1959.

Với tư cách trưởng ban Sửa Đổi Hiến Pháp, Hồ Chí Minh đọc báo cáo Dự thảo Hiến Pháp sửa đổi. Bản Dự thảo này gồm các điểm: 1. Ýnghĩa quan trọng của Bản Hiến Pháp sửa đổi. Hồ Chí Minh cho rằng bản Hiến Pháp 1946 là một Hiến Pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ từ cuộc cách mạng tháng tám đến thập niên 60, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình: “Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến Pháp ấy. Dự thảo Hiến Pháp sửa đổi ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong những năm qua và nêu rõ nhiệm vụ cách mạng mới trong giai đoạn lịch sử mới”: 2. Một số điểm lớn: tính chất và tổ chức Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà; đường lối chung tiến lên chủ nghĩa xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 3. 10 điểm đóng góp của nhân dân, từ “Lời nói đầu” của bản Dự thảo cho đến các điều khoản cụ thể khác, kể cả nhiệm vụ của Chủ tịch nước cũng được đồng bào góp ý. Hồ Chí Minh Nói: “Sau khi được Quốc Hội thông qua, bản Dự thảo này sẽ thành Hiến Pháp mới của chúng ta. Bản Hiến Pháp này sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sẽ động viên nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng thi đua hơn nữa để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ngày. 12. 1959 tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nhất trí thông qua bản Hiến Pháp mới, và ngày 1. 1. 1960 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố bản Hiến Pháp đó (sắc lệnh số 1/SL). Nội dung bản Hiến Pháp gồm có lời nói đầu và 10 chương với 112 điều quy định rõ về chính thể dân chủ cộng hoà, về chế độ dân chủ nhân dân chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa, về quyền và nghĩa vụ công dân, về tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; về Quốc kỳ, Quốc Huy và việc sửa đổi Hiến Pháp.

 Sau khi Quốc Hội thông qua bản Hiến Pháp mới, Hồ Chí Minh cảm ơn các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và các đại biểu Quốc Hội đã góp nhiều ý kiến cho bản Dự thảo Hiến Pháp sửa đổi.

Về tác dụng và giá trị của bản Hiến Pháp mới Hồ Chí Minh nói: “Bản Hiến Pháp mới của chúng ta sẽ khuyến khích hơn nữa đồng bào miền Bắc thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh bền bỉ hơn nữa để đòi tự do dân chủ và thống nhất nước nhà. Đối với thế giới, bản Hiến Pháp mới của chúng ta sẽ có một tác dụng củng cố hơn nữa phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng đầu”.

Hồ Chí Minh nói đến nhiệm vụ mới của các đại biểu Quốc Hội cần làm ngay sau kỳ họp này là báo cáo ngay khi về lại các địa phương, giải thích cho đồng bào hiểu rõ, các vị phải gương mẫu tham gia thực hiện Hiến Pháp mới (Lời phát biểu sau khi Quốc Hội thông qua bản Hiến Pháp mới ngày 31. 12. 1959. Nhân Dân, số 2116, ngày 1. 1. 1960). Cùng ngày, tại cuộc mít tin của nhân dân Thủ đô hoan nghênh Quốc Hội thông qua Hiến Pháp mới, Hồ Chí Minh nói: “…Đồng bào toàn quốc ta có Hiến Pháp mới, một bản hiến pháp cực kỳ dân chủ và xã hội chủ nghĩa…Nhiệm vụ của đồng bào ta là thực hiện tốt Hiến Pháp mới của chúng ta. Mỗi người tuỳ công việc mà ra sức thi đua, nhất là thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà”. (ngày 31. 12. 1959).

 Ngày 13. 1. 1960, nói chuyện tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của kỳ họp lần thứ 11 Quốc Hội khoá I. Hồ Chí Minh nói: “Hiến Pháp mới được Quốc Hội thông qua đã xác nhận những thành tích rực rỡ về kinh tế, văn hoá và xã hội mà nhân dân ta đã thu được; đồng thời chỉ rõ con đường vẻ vang mà chúng ta đang tiến lên để giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Có thể nói Hiến Pháp năm 1946, Hiến Pháp đầu tiên đã đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, xác lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phát triển cách mạngdân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến Pháp là hoàn thành Độc lập Dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến Pháp đầu tiên của nước ta, là bản Hiến Pháp dân chủ, tiến bộ, không kém một bản Hiến Pháp nào trên thế giới. Nó là một bản Hiến Pháp mẫu mực trên nhiều phương diện./.

( Nguồn: theo TỪ ĐIỂN HỒ CHÍ MINH sơ giản, Nhà Xuất Bản Trẻ 1990)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét