Looking For Anything Specific?

Top Ad

LÊ NIN

 


LÊ NIN   ( Ulianôp – Vladimr  llis Lénine ), 1870 – 1924, lãnh tụ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Liên Xô và Nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người, sáng lập ra Quốc Tế Cộng Sản.

Lênin đặc biệt chú ý và đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

Trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” được trình bày tại Đại hội 2 Quốc Tế Cộng Sản năm 1920, Lênin đề cập đến những vấn đề cơ bản của phong trào giải phóng dân tộc. Mùa thu 1920, trong thời gian đang hoạt động tại pháp, Hồ Chí Minh được đọc bản “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và thấy ở đây con đường đúng đắn để giải phóng cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác, đó là con đường đấu tranh làm cách mạng vô sản, sau này hồi tưởng lại cảm xúc khi đến với “Luận cương” của Lênin, Hồ Chí Minh viết: “Trong luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của lênin làm cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong buồng mà tôi muốn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hởi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. “Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. (“Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, đăng trên báo Nhân Dân ngày 22. 4. 1960).

Chính luận cương của Lênin đã có ảnh hưởng quyết định để Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Pháp, trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Đại hội Tours vào cuối năm 1920. Tháng 10. 1921 Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Hội Liên Hiệp Thuộc Địa. Tháng 12. 1921 tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng Sản Pháp lần thứ nhất ở Marseille, Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Ban Nghiên cứu Thuộc địa và sau đó đầu năm 1922, Ban nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng Sản Pháp được thành lập và Hồ Chí Minh được cử làm Trưởng tiểu ban nghiên cứu về Đông Dương.

Mùa hè năm 1923, Hồ Chí Minh rời nước Pháp qua nước Đức tìm đường đi Liên xô. Ngày 30. 6. 1923, Hổ Chí Minh ghi tên nhập cảnh ở Petrograd đặt chân lần đầu tiên trên đất nước của Lênin. Tháng 7. 1923, Hồ Chí Minh đến Moskva tham gia Đại hội I Quốc Tế Nông Dân ở đây ( tháng 10. 1923 ) và cuối năm  vào học Trường Đại Học Phương Đông. Hồ Chí Minh rất muốn gặp Lênin nhưng lúc này Lênin đang ốm nặng. Ngày 21. 1. 1924, Lênin từ trần. Điều mong ước được gặp Lênin không thực hiện được. Sau này Hồ Chí Minh kể lại sự kiện đó: “Vào một ngày tháng Giêng năm 1924, chúng tôi đang ăn bữa sáng tại quáng cơm ở tầng dưới khách sạn thì được tin Lênin mất, Không ai muốn tin điều đó, nhưng khi ngoảnh lại, chúng tôi thấy lá cờ của Xô Viết Moskva đã bỏ rũ. Một sự xúc động lớn xâm chiếm tâm hồn chúng tôi; bửa ăn bị bỏ dở, vì không ai thấy đói nữa; Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp, Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi, khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Goorky, cho nên không đến thăm được”. (Trả lời phỏng vấn Charies Fourniau, phóng viên báo Nhân Dân (L Humanité) ngày 15. 7. 1969).

 Trong những ngày Liên Xô để tang Lênin, Hồ Chí Minh cùng học sinh Trường đại học Phương Đông đi viếng Lênin. Cũng trong những ngày này Hồ Chí Minh viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” (đăng trên báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Liên Xô, 27. 1. 1924), đánh giá cao vai trò của Lênin với các dân tộc thuộc địa. Bài báo kết luận: “khi còn sống, Người là Người cha, thầy học, đồng chí, cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”. “Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Từ đó vào những dịp kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh của Lênin, Hồ Chí Minh thường viết bài đăng trên các báo nói về ảnh hưởng to lớn và công lao của Lênin đối với các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên thế giới. Năm 1925 Hồ Chí Minh viết hai bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa”(đăng trên tạp chí Đỏ, Liên Xô, số 2. 1925 và đăng trên báo Công Nhân Bakinski, Liên Xô, số 16,1925). Trong bài viết trên Tạp chí Đỏ, Hồ Chí Minh cho rằng: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quang trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng, Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”. Đầu năm 1926, Hồ Chí Minh viết bài “Lênin và phương Đông” (đăng trên báo Tiếng còi, Liên Xô, 21. 1. 1926), một lần nữa Hồ Chí Minh khẳng định: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới; thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng: “Nhờ có thái độ khôn khéo của Lênin đối với vấn đề thuộc địa, mới có thể lay chuyển nổi quần chúng chưa giác ngộ và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa. sách lược của lênin về vấn đề này được các Đảng Cộng Sản trên toàn thế giới áp dụng và ngày càng lôi cuốn những phần tử ưu tú và tích cực ở các nước thuộc địa vào phong trào cộng sản”.

Những năm 1925, 1926 khi hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), để chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, trong các bài giảng cho cán bộ Việt Nam ở đây, Hồ Chí Minh đã nói nhiều đến cách mạng Tháng Mười Nga và công lao to lớn của Lênin, Hồ Chí Minh nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. (Đường Kách Mệnh do Hội Liên Hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927).

 Sau này khi về Tổ quốc đã trực tiếp làm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn không quên công lao to lớn của Lênin đối với dân tộc Việt Nam. Trong thời gian sống ở Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã đặt tên cho ngọn núi cao nhất ở đó là núi Các Mác và dòng suối trước cửa hang Pác Bó là suối Lênin. Mặc dù cuộc sống lúc đó rất gian khổ, nhưng nhìn lên núi Các Mác, nhìn ra suối Lênin Hồ Chí Minh vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai của dân tộc, tiền đồ của cuộc cách mạng giải phóng khi có chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ đường thì nhất định thắng lợi.

Năm 1952, nhân kỷ niệm 28 năm ngày mất của V.I. Lênin, Hồ Chí Minh viết bài “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” ( Nhân Dân, 24. 1. 1952) để giới thiệu thân thế, sự nghiệp và những lời của Lênin gắn với cách mạng Việt Nam. Cuối bài, Hồ Chí Minh viết: “Mỗi một người yêu nước Việt Nam cố gắng thực hiện những lời dạy bảo của Lênin, tức là kỷ niệm lênin một cách xứng đáng, vì đó là con đường đưa chúng ta đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Ngày 21. 1. 1954 báo Nhân Dân đăng bài “Lênin dạy về kháng chiến, về phòng gian, trừ gian và du kích” do Hồ Chí Minh Viết nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lênin. Năm 1955, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Lênin, Hồ Chí Minh viết bài “Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức” (đăng trên báo Sự Thật, Liên Xô, ngày 18.4. 1955).

          Trong bài viết Hồ Chí Minh , Hồ Chí Minh đánh giá cao công lao của Lênin đối với Đảng của giai cấp vô sản và nhân dân Việt Nam. “Lênin đã để lại cho chúng ta một kho tàng quí báu vô ngần; học thuyết của Người về cơ sở tư tưởng, về những nguyên tắc tổ chức, về lý luận và sách lược của Đảng cách mạng. Chủ nghĩa Lênin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”.

Sau Hiệp  nghị Genève, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng tháng 7. 1955, theo lời mời của Chính phủ Liên Xô, Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu  Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà sang thăm Liên Xô. Ngày 3. 9. 1955 khi vào thăm nơi làm việc của Lênin trong điện Kiemli, Hồ Chí Minh đã ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm: “Lênin, Người thầy dạy vĩ đại của cách mạng vô sản, cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng tôi phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. “Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”.

Năm 1957 khi sang Liên Xô dự kỷ niệm 40 năm Cách Mạng Tháng Mười, ngày 2. 1 Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa viếng V.I.Lênin. Tháng 4. 1960 nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Hồ Chí Minh viết bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Nhân Dân, 22. 4. 1960) thuật lại quá trình hoạt động của Người ở Pháp cho đến khi gặp được sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, là cái mốc đánh dấu con đường Người đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cái cẩm nang thần kỳ, không chỉ là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Ngày 4. 11. 1967 Đoàn chủ Xô Viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Hồ Chí Minh Huân chương Lênin, ngày 6. 1. 1967, Hồ Chí Minh gửi điện đến Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, trong đó có đoạn “Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng  xin các đồng chí hảy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào chúng tôi trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân  chương mang tên Lênin vĩ đại”.

Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, theo yêu cầu của báo Sự Thật, Liên Xô, Hồ Chí Minh viết bài “Cách Mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”. Sau khi nêu lên ảnh hưởng to lớn của Cách Mạng Tháng Mười đối với thắng lợi của Cách Mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách Mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn, chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách Mạng Tháng Mười vẽ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.

Ngày 15. 7. 1969 trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân Đạo (L ‘Humanité) Charles Fourniau. Hồ Chí Minh đã cho biết quá trình Người đến với Chủ Nghĩa Lênin như thế nào: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin ”.

Trong bản Di chúc để lại, Hồ Chí Minh nói “Sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” và mong rằng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Vơlađimia llich Lênin (Vladimir llyich Lenin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917). Ông là trong 100 người có ảnh hưởng nhất đến toàn thế giới./.

( Nguồn: theo TỪ ĐIỂN HỒ CHÍ MINH sơ giản, Nhà Xuất Bản Trẻ 1990)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét