Looking For Anything Specific?

Top Ad

CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 


Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo người, “vô luận việc gì đều do Người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” (Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr281).

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chính phủ đều gì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.

Con người là động lực của cách mạng, nhưng phải là những con người được giác ngộ và tổ chức Họ phải có trí tuệ, bản lĩnh, văn hoá, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hoá, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục – đào tạo theo nghĩa hẹp…

Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng.

Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quang trọng nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại giáo dục không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.

Trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định luận điểm quang trọng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. “Con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là con người có ý thức làm chủ nước nhà, có tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, có tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, là con người có tinh thần tất cả phục vụ sản xuất, lao động có kỷ luật và năng suất cao, cần kiệm xây dựng nước nhà, chịu khó học tập nâng cao trình độ văn hoá, kỷ thuật; là con người thạo về chính trị, giỏi về chuyên môn, dám nghĩ dám làm, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới v.v…để đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. (Bài nói chuyện tại Hội nghị bồi dưỡng lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc, tháng 3. 1961).

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã đặt cơ sở lý luận cho công cuộc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam – một trong những mục tiêu cơ bản và điều kiện của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

( Nguồn: theo TỪ ĐIỂN HỒ CHÍ MINH sơ giản, Nhà Xuất Bản Trẻ 1990)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét