Looking For Anything Specific?

Top Ad

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

 





Công Đoàn Việt Nam. Qúa trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn  Việt Nam gắn liền với cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh đặt nền móng về lý luận cũng như về thực tiễn cho việc tổ chức thành lập Công đoàn cách mạng ở Việt Nam theo quan điểm của Chủ Nghĩa Mác- Lênin thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế (ở Anh, Pháp).

 Hồ Chí Minh nghiên cứu các hình thức tổ chức công đoàn ở các nước tư bản chủ nghĩa và các nước thuộc địa, nửa thuộc địa. Biên bản cuộc họp ngày 27. 6. 1923 của Ban Chấp Hành Quốc Tế Công Hội Đỏ được Hồ Chí Minh nghiên cứu và đề cập đến phần nói về đấu tranh công đoàn ở thuộc địa trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925). Hồ Chí Minh viết: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”.

 Hồ Chí Minh còn nghiên cứu tính chất và các hình thức Công đoàn ở một số nước thuộc địa và nửa thuộc địa lúc bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và giới thiệu tổ chức Công Hội Đỏ Quốc Tế qua những bài viết đăng trên báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng Bộ Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Người đã rút được những kinh nghiệm cụ thể để tiến tới thành lập Công hội ở Việt Nam.

 Người từng đề cập đến tính chất, nhiệm vụ của tổ chức Công hội trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (xuất bản  1927). Theo Hồ Chí Minh: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”. Có thể nhận định rằng quá trình Hồ Chí Minh chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sảncũng là quá trình Hồ Chí Minh xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn cách mạng.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn này có nhiều tổ chức công hội được thành lập, nhất là ở các hầm mỏ, đồn điền và các nhà máy, xí nghiệp tại một số thành phố lớn, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Thanh Niên (Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội). Số lượng công nhân Việt Nam từ khoảng 10 vạn người ở trước thế chiến thứ nhất đã tăng lên khoảng 22 vạn vào năm 1929 trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929) của thực dân pháp.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động đội ngũ công nhân này và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công Hội Đỏ, Ban Chấp Hành Trung Ương lâm Thời Đông Dương Cộng Sản Đảng triệu tập đại hội để thành lập “Tổng Công Hội Đỏ Bắc Kỳ” vào ngày 28.7. 1927 tại nhà số 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Sự kiện thành lập Tổng Công Hội Đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam, vì thế, ngày 28. 7. 1929 được chọn là ngày kỷ niệm thành lập Công Đoàn Việt Nam. Trên cơ sở phát triển của phong trào công nhân và công hội ở Việt Nam, năm 1930 Hồ Chí Minh cử một đoàn đại biểu Công Hội Đông Dương đi dự Đại hội Quốc Tế Công Hội Đỏ lần thứ 5 ở Moskva.

 Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thắng lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu thống nhất tổ chức công nhân Cứu Quốc trong cả nước, ngày 20. 6. 1946, Hội nghị đại biểu công nhân Cứu Quốc ba miền Bắc, Trung, Nam họp tại Hà Nội, quyết định đổi tên thành “Công Đoàn” và thành lập Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. TLĐLĐVN được Liên Hiệp Công Đoàn thế giới công nhận là thành viên chính thức vào tháng 1. 1949.

Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, Hồ Chí Minh luôn chỉ ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công Đoàn Việt Nam nhận thức rõ nhiệm vụ của mình. Sau Hiệp Nghị Genève 1954, miền Bắc Việt Nam bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, chuẩn bị cơ sở vật chất cho Chủ Nghĩa Xã Hội trong giai đoạn mới.

Trong các bài nói chuyện, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến nhiệm vụ của Công đoàn và xác định: “Nhiệm vụ của công nhân và Công Đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội” nhằm đạt được mục đích là “cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”.

 Hồ Chí Minh vạch ra những nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn và cán bộ công đoàn: Công đoàn phải tuyên truyền đường lối chính sách chung của Đảng; Công đoàn còn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng; phải giúp cho công nhân hiểu tương lai của họ và tương lai của xí nghiệp gắn liền nhau. Công nhân cũng phải hiểu “Lao động là vẻ vang” vì bây giờ họ lao động cho đất nước. Làm bất cứ việc gì có ích cho đất nước,cho dân, cho giai cấp đều là vẻ vang.

 Hồ Chí Minh nhấn mạnh công nhân phải “tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động” và thực hiện hai khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. “Công nhân phải có tinh thần làm chủ nước nhà, làm chủ xã hội, tinh thần trách nhiệm cao, làm cái gì phải làm cho tốt và phải giữ vững kỷ luật lao động”.

Công đoàn chú ý săn sóc đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Đặc biệt, Hồ Chí Minh vô cùng quan tâm đến việc bảo hộ lao động cho công nhân. “Chúng ta phải quí trọng con người, nhất là công nhân, vì công nhân là vốn quí nhất của xã hội. Chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xẩy ra tai nạn lao động”.Hồ Chí Minh phê phán nặng nề vấn đề một số nhà máy, hầm mỏ… để xẩy ra tai nạn lao động và có tình trạng kỷ luật lao động lỏng lẽo, thiếu ý thức. Theo Hồ Chí Minh, “sở dĩ có những khuyết điểm ấy là do cán bộ công đoàn kém, quan liêu, không đi sát quần chúng, không làm tròn trách nhiệm của Đảng và chính phủ giao”.

Người cũng nhắc nhở Công đoàn cần phải phát huy vai trò của công nhân trong việc quản lý kinh tế. Người cho rằng “Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động”.

Về nhiệm vụ của cán bộ Công đoàn, Hồ Chí Minh bảo: “Phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đở lẫn nhau giữa các tổ chức, các ngành nghề, nhất là giữa Công đoàn, giám đốc và Đoàn thanh niên”.“Phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ”. “Phaỉ có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua, để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ”. “Phải tiếp tục đẩy mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp”. “Đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học, kỷ thuật, Công đoàn phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và thực hiện đoàn kếtchặt chẽ giữa lao động trí óc và lao động chân tay”.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc tăng cường kiểm tra, “bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù”. “Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đở họ một cách thiết thực hơn”. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ Công đoàn phải học để hiểu biết khoa học. Người cán bộ Công đoàn chẳng những phải giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung. Nếu cán bộ Công đoàn không hiểu biết khoa học kỷ thuật, không nắm chuyên môn của công nhân bằng chính họ thì làm sao lãnh đạo công nhân được. Công tác lãnh đạo hướng dẫn công nhân cần phải cụ thể, dân chủ, có kiểm tra để nắm rõ kết quả hoặc để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những sai trái. (Bài nói chuyện ngày 19. 1. 1957, 14. 3. 1959, 13. 8. 162)./.

( Nguồn: theo TỪ ĐIỂN HỒ CHÍ MINH sơ giản, Nhà Xuất Bản Trẻ 1990)

 

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét